Tuesday, June 19, 2012

những ngày đầu đi học



Được sống và học tập ở một đất nước nói tiếng Anh từ lâu đã là mong muốn của tôi. Đến bây giờ, nhiều khi nghĩ lại tôi vẫn thấy rằng mình là người may mắn khi được học bổng vì tôi không xuất sắc, cũng không có gì nổi trội trong học tập và trong công việc. Để có được học bổng, thực sự tôi đã may mắn từ khâu chuẩn bị hồ sơ. May mắn vì tôiđã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các anh chị đồng nghiệp và những đồng nghiệp nước ngoài mà tôi đã có cơ hội làm việc cùng trước đây. Họ đã viết thư giới thiệu tôi, động viên tôi và sửa phần viết cho tôi. Một lần nữa, xin cảm ơn những người bạn, những đồng nghiệp về tất cả những gì các anh, các chị đã dành cho tôi... 


 * * *

Sau những buổi đầu tiên đi học, tôi thấy việc học rất khó, không chỉ là vấn đề ngôn ngữ (vì thầy giáo giảng rất nhanh), mà còn lượng thông tin mới truyền tải quá nhiều, cộng với nhiều cái bỡ ngỡ. Thực sự tôi nghe giảng mà như đàn gảy tai trâu.

...

Tôi cũng chưa kịp khám phá được nhiều nơi trong khuôn viên của trường đại học mà ngày nào cũng như ngày nào, chỉ từ nhà đến giảng đường, rồi từ giảng đường về nhà, nhưng tôi kịp thấy trường Melbourne quả là đúng như những gì tôi đã được nghe: Trường có nhiều bãi cỏ xanh rộng, nhiều cây xanh, nhiều hoa, nhiều tòa nhà cổ kính. Sinh viên có thể tìm thấy mọi dịch vụ ngay trong khuôn viên của trường: Ngân hàng, đại lý du lịch, đại lý vé máy bay, đại lý điện thoại. Đặc biệt, trường Melbourne cũng như nhiều trường đại học khác của Úc có lắp đặt hệ thống nước uống miễn phí trong trường nhằm giảm thiểu sử dụng nước uống đóng chai, hạn chế rác thải...




Trường Melbourne có nhiều khuôn viên nằm rải rác một số nơi, nhưng Parkville - nơi tôi học - là khuôn viên lớn nhất (hình như là khuôn viên chính của trường). Trường có nhiều thư viện. Mỗi khoa có một thư viện riêng của khoa. Vào những mùa thi, thư viện mở cửa đến 1h đêm và nhà trường có chỗ cho học sinh ở lại trong trường hợp về khuya (Nhưng tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ học ở thư viện đến 10h đêm :) Thư viện trang bị rất nhiều máy tính, trong số đó có nhiều máy Macbook. Để in ấn tài liệu, sinh viên nạp tiền vào thẻ sinh viên và dùng thẻ đó để in tự động. Gần như nhà trường tự động hóa tối đa mọi quy trình... Bọn tôi được cán bộ thư viện giới thiệu và cho tham quan một số thư viện lớn. 

Không biết có giống như thư viện ở Việt Nam hay không, nhưng thư viện ở đây có đội ngũ cán bộ luôn giải đáp và hỗ trợ sinh viên khi cần thiết. Trường có bộ phận Hỗ trợ sinh viên ở tất cả các khoa. Khi cần thắc mắc bất cứ vấn đề gì, chỉ cần tới gặp bộ phận hỗ trợ sinh viên thì sẽ được giải đáp (Information center). Với những vấn đề họ không giải quyết được, họ sẽ chuyển bạn đến các phòng ban liên quan khác. Ngoài ra, mỗi khoa còn có bộ phận Hỗ trợ học thuật (Academic Skill Unit). Bộ phận này sẽ đào tạo cho sinh viên các kỹ năng cần thiết (tiếng Anh, viết luận, tìm tài liệu...). Khi bạn viết xong bài luận, bạn có thể mang tới bộ phận này. Họ sẽ đọc và đưa ra phản hồi cho bài viết đó...

Một điều nữa là trường có rất nhiều sự kiện và khóa học miễn phí. Vấn đề là bạn có thể sắp xếp thời gian tham gia hay không...

Nói chung là chúng tôi được hỗ trợ đến tận răng, vấn đề nằm ở bản thân có chịu học hay không thôi!

Hàng ngày tôi đi học ở các địa điểm khác nhau, nhưng phần lớn tôi học ở tòa nhà Old Arts. Tòa nhà trông bên ngoài rất cổ kính nhưng lại vô cùng hiện đại bên trong. Bây giờ thì tôi quen với tòa nhà này rồi, nhưng những ngày đầu tôi thấy nó như cái mê cung ấy.
...

No comments:

Post a Comment